LAPTOP 36 - SIÊU THỊ LAPTOP


Địa chỉ: 447 Nguyễn Trãi,P.Phú Sơn,TP Thanh Hoá


Điện thoại: 05.888.888.36

Trang chủ  /  Tin tức

Chặng đường mang đến Danh hiệu Bàn Tay Vàng của lương y Nguyễn Đình Dư

206 lượt -  04/06/2016 11:19:50

Mấy năm nay, ở thành phố Điện Biên Phủ (Điện Biên) có một địa chỉ chẩn trị hữu hiệu các bệnh: viêm xoang, xương khớp được người bệnh gần xa tin tưởng. Đó là phòng chẩn trị y học cổ truyền Bảo Tín Đường của lương y - người có tấm lòng hảo tâm Nguyễn Đình Dư.

Lương y Nguyễn Đình Dư đang bấm huyệt cho bệnh nhân.

Từ bàn tay chai sạn

Để có một Bảo Tín Đường hôm nay là một hành trình xa lắc, đầy nhọc nhằn gian khó. Câu chuyện của lương y Nguyễn Đình Dư bắt nguồn từ cái làng Cổ Bản (Đồng Mai - Hà Đông) những ngày chưa xa. Cả làng nghèo, làm ruộng chẳng đủ ăn; lúc nông nhàn túa đi các nơi, mỏi chân cùng tiếng rao lông gà lông vịt... Tuổi thơ ông trôi trong tiếng thở dài của bố mẹ mỗi lần gõ hòm thóc... Thời ấy, cơm là thuốc bổ, thuốc bệnh thì cây lá trong vườn, hỏi mấy nhà khác được cuộc sống như thế - ông Dư cười nói. Mẹ tôi rất thạo các bài thuốc dân gian, tôi nhớ bà có bài trị viêm xoang từ cây lá. Người làng, những làng xung quanh thường tìm đến bà mỗi khi xoang, mũi có vấn đề. Tự khi nào không biết, những bài thuốc gia truyền đã “ngấm” vào tôi.

Rồi tưởng như thuốc bỏ ông đi phương trời khác. Những năm tháng nghèo khó gian nan ấy, với muôn người, chữa cái dạ dày lép là số 1, bệnh tật thuốc men không quan trọng. Và... cuộc đời không báo trước. Con thuyền hạnh phúc của chàng trai Nguyễn Đình Dư gặp sóng lớn, cố gắng mãi mà vẫn cuồng phong... Thôi thì, đành nhìn những mảnh ván tan nát - ông Dư trầm giọng không rõ nói với khách hay với mình. Năm 1996, vừa hết tuổi trẻ, như cô Đào (trong truyện ngắn Mùa lạc của Nguyễn Khải) ông rời làng lên Điện Biên. Chân cứ bước, mục đích như đám mây, chỉ âm thầm những mong tới phương trời khác, tâm sẽ tĩnh, may ra cuộc sống khá hơn.

Thế là từ bấy, Điện Biên có thêm một người, tay trắng, ngơ ngác, hy vọng, lo sợ mơ hồ... Tâm trạng, suy nghĩ của ông phần nào được gỡ rối. Bởi mảnh đất xa cùng xa kịt này có những người tốt, vô tư giúp đỡ một người... lạ hoắc. Ông Nguyễn Huy Dự, Nguyễn Đình Mận, Nguyễn Huy Thực, Mai Ba... cùng bao người chân đất khác, thương hoàn cảnh của ông đã động viên, chia sẻ, trực tiếp hoặc gián tiếp mở lòng chung sức với một người tứ cố vô thân. Ông khởi sự bằng một quán ăn, khách cũng tàm tạm, thời gian đầu cũng có đồng ra đồng vào. Nhưng, hỡi ôi, đấy là ảo, quán mở ra và đau đớn đóng lại sau một thời gian ngắn ngủi. Nguyên nhân nói thẳng vào hai chữ - vỡ nợ, bởi vốn còm quá, “ông chủ” lại có tính cả nể mênh mông. Diều vừa lên, dây đã đứt phựt; bên bờ tuyệt vọng, đầu óc mụ mị, ông tính đường về quê, để quên đi, để chấm hết... Bạn bè hay tin, đến động viên ông ở lại, khuyên một điều cốt yếu nền tảng - ... muốn lập nghiệp phải có tí đất cắm dùi và gia đình! Ông ngộ ra và lại mở quán, lần 2. Lần này có thành công chút đỉnh, “kết quả kép”, sau bốn năm mồ hôi, cười, khóc... Nguyễn Đình Dư có tổ ấm, tí đất, một cái xe cup 79. Nhưng, như “Tái ông thất mã” - thành công đầu tiên tại đất “Mường Trời” ấy lại là mở đầu của thất bại. Phần vì thương vợ, phần vì nghĩ mình không còn trẻ nữa, nên ông quyết tâm làm nhà cho... đỡ tủi. Ngôi nhà nhỏ tiếng cười chưa kết thúc thì âu lo ngập tràn. Vốn đã đổ hết cả vào tường mái cột kèo, mạng người hàng ngày phải ăn, phải tồn tại. Mở quán? Không được nữa, vì tiền đang “ở âm”. Thôi thì chả biết dại khôn, chân tay sức khỏe hẵng còn, vắt ra mà sống. Thế là chả nông sâu dại khôn, những tháng ngày tiếp theo, trên đỉnh đèo Keo Lôm, có một dáng lom khom, một người hay chuyện, một anh nuôi (đúng nghĩa đen) của Công ty Xây dựng & Thủy lợi Tuần Giáo. Công việc ấy so với bươn chải đã qua chỉ như những con muỗi đốt, lại được thấm mưa nắng nóng rét, các loại ốm đau bệnh tật, tận cùng những mảnh đời na ná như mình... đã cho ông nhiều thứ. Phải vượt lên mà sống, bao nhiêu người còn khổ, mình là cái chi chi... Ông Dư xa xăm một lúc, rồi hạ một câu như triết gia.

...đến bàn tay vàng

Gần mười năm trải dài trong mặn chát cuộc đời, khi cơm áo ốp chặt cái đầu, khi hoàn cảnh bật nhớ bài thuốc ứng giúp, khi đau đớn vô vọng, khi lạc quan ngút ngàn ý chí... đấy là những số hạng, cuộc đời cộng dần, cộng dần đến một ngày - “dao sắc buộc phải gọt chuôi”. Giữa mùa xuân 2005, ông bị “giời hành”... chân trái cứ tê tê rồi teo đi, có biểu hiện liệt, sinh hoạt chả khác gì người tàn tật. Hoảng quá, rồi bình tĩnh, ông tìm căn nguyên. Dù đã biết những nguyên lý cơ bản của Đông y nhưng mình thực hành vào mình thì vẫn chưa ổn. Ông tìm sách đọc thật sâu, ngẫm và huy động những kiến thức dân gian, trải nghiệm... mới tìm ra tổ con bệnh - dính khớp háng cùng thoát vị đĩa đệm. Rồi “thầy thuốc kiêm bệnh nhân” tự chữa, kiên trì, kiên quyết mấy tháng để một ngày đi, chạy sảng khoái, hét to như trẻ con - thành công rồi! Chưa hết, Đông y lại thử thách ông lần nữa. Sương gió bao năm khiến ông bị chớm xoang; bằng tay nghề, thuốc tự bào chế sau một tuần tự chữa, căn bệnh đã buộc phải rời xa người cầm cương.

Tưởng thuốc chán ông, bỏ đi, vì những tháng năm mưu sinh biền biệt thì nay nó trở về, bừng bừng ngọn lửa đam mê. Suốt thời gian tiếp theo, ông chả nghĩ gì đến làm ăn, đầu óc chân tay chỉ tìm sách, tìm thầy, cây lá thuốc. Nghề y buộc phải đúng, không cho phép sai, trong khi ông vừa bước chân từ những tháng ngày dằng dặc mưu sinh ra, hành trang như con thuyền nhỏ nhoi trong mênh mông y lý... Ấy là sau này nghĩ lại thì thấy như thế, chứ giai đoạn ấy bầu trời Điện Biên chỉ có say mê, học và hành, làm đi làm lại, suy ngẫm và đúc rút. Dần dần, viêm xoang, rồi các bệnh xương khớp đã trong vòng kiểm soát của ông.

Những bệnh nhân đầu tiên đã giúp ông tự tin theo nghề. Đó là ông Mai Văn Cự, 78 tuổi, tổ 9, phường Him Lam, TP. Điện Biên Phủ. Trong một lần, nhìn thấy ông già khổ sở, khò khè khó thở, xì mũi liên tục, ra cả mủ..., ông Dư hỏi chuyện thì biết, ông Cự bị thế này đã 43 năm nay, chữa khắp nơi, các kiểu, giờ vô vọng, mặc sống chết. Ông mời bệnh nhân về nhà mình, xem mạch, đưa thuốc, dặn dò cách xịt, bôi, uống... “Bẵng đi nửa tháng sau, một hôm ông Cự đến, ôm chầm lấy tôi, reo to, khỏi rồi, thật kỳ diệu, cảm ơn thầy thuốc nhiều”. Ông Dư vui, nói tiếp - bệnh nhân vui một thì mình vui một trăm, bởi từ đây con đường thuốc, chữa bệnh đã là thênh thang, không còn dò dẫm nữa.

...Bệnh nhân thứ hai, là dấu mốc bước ngoặt đưa ông vào con đường Đông y chuyên nghiệp. Tháng 4/2008, trong một dịp giao lưu ở xã Thanh Luông, huyện Điện Biên, ông gặp một người phong thái rất sang trọng, nhưng... nước mũi cứ chảy rất... “tương phản”. Bằng con mắt nghề nghiệp, ông thầm nghĩ ông này bị xoang nặng rồi nhưng nghĩ mình chân đất nên đành kìm nén, không dám bày tỏ. Rồi đến một lúc không kiểm soát được ý tứ, ông buột miệng nói - anh bị xoang nặng, tôi sẽ chữa khỏi được. Ông kia ngạc nhiên, chần chừ rồi nghe lời bắt bệnh, đồng ý nhận thuốc, chỉ dẫn của “người lạ”. Thấy người bị bệnh thì giúp, ông đâu có hay họ là ai. Bẵng đi một thời gian, ông nhận được một cuộc điện thoại, người đầu sóng bên kia xưng là Nguyễn Hữu Khai, Tổng Giám đốc Tập đoàn Y dược Bảo Long (Bảo Long)... Câu chuyện vỡ ra, ông Nguyễn Hữu Minh (em trai ông Khai) đã khỏi bệnh xoang từ lần vô tình gặp ông trên Điện Biên. Sau khi hỏi han ông về gia cảnh, bài thuốc, chữa bệnh... ông Khai có một đề nghị - Mời ông Dư về làm việc cho Bảo Long. Ông như mơ, không tin vào tai mình nữa bởi hai tiếng Bảo Long - thầy Nguyễn Hữu Khai từ lâu đã là niềm ngưỡng mộ, chỉ ước được gặp mặt chứ không dám gì xa xôi. Ông “liều” nhận lời nhưng trong lòng ngổn ngang vui sướng, lo lắng...

Và thế là với hành trang cơ bản làm chủ thuốc chữa viêm xoang, bệnh xương khớp, ông đầu quân cho Bảo Long. Từ âm thầm, tự học, đúc rút kinh nghiệm thực tế là chính nay ra biển lớn, được làm việc với các thầy giỏi, được cọ xát nhiều hơn với y học cổ truyền, với ông còn cơ hội nào hơn thế. Việc đầu tiên, song song với nhiệm vụ trợ lý cho Tổng Giám đốc Tập đoàn Y dược Bảo Long, bào chế một số loại thuốc... là ông đi học lớp y học cổ truyền. Vừa học vừa làm, kinh nghiệm được lý thuyết nâng cao, soi tỏ; ông vui mừng thấy giá trị biết bao những giờ lên lớp.

Sau một thời gian ngắn, thấy năng lực thật của cộng sự, lương y Nguyễn Hữu Khai đã tin tưởng giao ông phụ trách một phòng khám thứ hai, cùng với phòng khám của thầy trước đó. “Bệnh nhân đông, lắm hôm giờ nghỉ họ còn đến phòng tôi năn nỉ, từ chối thì thương, đành vi phạm... và hôm sau lên “chịu tội” với thầy Khai. Thầy Khai xí xóa và nói, anh yên tâm sẽ có những ca khó cần đến tấm lòng và tay nghề của anh” - Ông Dư nhớ lại.

Dịp ấy đã đến, đó là cháu Đỗ Phương Linh, sinh năm 1997 (phường Bắc Sơn, thị xã Tam Điệp, Ninh Bình). Khi người nhà đưa đến, chân tay cháu co quắp, teo cơ, các đầu khớp sưng to; việc đi lại chỉ nhờ xe lăn. Đã 3 năm, gia đình cháu chạy chữa nhiều thầy nhiều thuốc mà bệnh không thuyên giảm... nhà tôi đã hết hy vọng, mẹ cháu nói thật. Ông được giao ca này, quả thật cũng nhiều tâm trạng nhưng quyết tâm. Thăm khám, ông thấy rõ cháu bị teo cơ ở dạng liệt cứng, cách chữa dứt khoát là làm mềm gân, tạo cơ phát triển, tiết tân dịch ở các khớp. Từ xác định con đường lớn “Tiết tân, thư cân, nhuận cơ”, “phân công nhiệm vụ” cho các nhánh nhỏ hợp lực (gan là chủ cân, thận là chủ cốt, tì là chủ cơ nhục), ông quan tâm phục hồi nền cốt can (gan) tì (lá lách) thận. Mục đích vừa bổ vừa tả, kết hợp uống thuốc, xoa bóp, bấm huyệt. Được thuận lợi là cháu đang tuổi phát triển nên chỉ sau 60 ngày (1/6 - 30/7/2010) điều trị, cháu Linh đã đi lại bình thường được. Khỏi phải nói Linh, gia đình, các thầy thuốc của Bảo Long, đặc biệt là ông sung sướng đến mức nào.

Cuối năm đó, ông được Tổng Giám đốc Tập đoàn Y dược Bảo Long tặng danh hiệu “Bàn tay vàng”. Ông hiểu, danh hiệu được trao vừa là ghi nhận năng lực trình độ vừa là yêu cầu cao hơn cho chặng đường tiếp theo của mình.

Bệnh nhân Đỗ Phương Linh trước và sau điều trị

Sau hơn 2 năm làm việc cho Bảo Long, bản thân xét thấy nhân dân các dân tộc Điện Biên đang rất cần những lương y như mình, ông quyết định trở về Điện Biên trong sự ngạc nhiên, lưu luyến của nhiều người.

Và, ngày 14/4/2012, Bảo Tín Đường (Cơ sở khám chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền - Chỉ định khám, cấp thuốc điều trị viêm xoang, cột sống và đa khớp) được mở ra trong niềm vui của bà con Điện Biên. Từ đây, nhiều bệnh nhân gần xa đã lấy lại được sức khỏe, lao động, niềm vui trong cuộc sống.

Bà Vũ Thị Hạnh, 54 tuổi (số nhà 598, tổ 1, phường Tân Thanh, TP. Điện Biên Phủ) trong tình trạng đi đứng khó khăn, mỗi khi ngồi đứng dậy phải bấu vịn rất khổ sở; tay phải bị tê bại, gần như hết cảm giác. Đến Bảo Tín Đường, được khám, xác định bị thoát vị đĩa đệm (L4, L5), thoái hóa 3 đốt sống cổ (C5, C6, C7), dẫn đến thiếu máu não. Sau 40 ngày điều trị bằng uống thuốc, xoa bóp, bấm huyệt đã khỏi bệnh. “Bàn tay của thầy Dư như có điện, kết hợp âm dương gì đấy...”, bà Hạnh bày tỏ sự thán phục với tôi.

Bệnh nhân ở gần thì như thế, còn những người ở xa xôi, kinh tế khó khăn không trực tiếp đến Bảo Tín Đường được thì sao? Thay cho trả lời câu hỏi, ông Dư cho tôi xem các thư cảm ơn, tin nhắn, ảnh của những bệnh nhân chỉ biết giọng nói chưa hề gặp mặt. Đó là: ông Lê Đình Thiển (số nhà 620, Bà Triệu, phường Trường Thi, TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa), có thư cảm ơn khỏi bệnh với lời lẽ xúc động, sau đấy ông tự đứng ra mua, chuyển hơn 500 lọ thuốc xoang cho người có bệnh ở quê. Hay như ông Mai Phú, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Thanh Hóa, cũng thông báo đã chữa khỏi và chuyển hàng trăm liều thuốc xoang cho bệnh nhân khác. Mấy năm qua, y học cổ truyền của ông Dư qua phương tiện hiện đại đã chuyển được hơn 10.000 liều thuốc (chủ yếu là viêm xoang) đến các bệnh nhân cách xa Điện Biên hàng nghìn cây số.

Lương y Nguyễn Đình Dư chụp cùng cháu Linh khỏi bệnh.

Vừa khám chữa bệnh, ông Dư vừa thường xuyên tự học, tự bồi dưỡng nâng cao tay nghề. Qua tài liệu, sách báo, các lương y trong nước, Hội Đông y Điện Biên; tổng hợp đúc rút từ thực tế bệnh nhân; đến nay lương y Nguyễn Đình Dư đã xây dựng được đồ hình chữa các bệnh như: rối loạn tiền đình, cột sống - cổ - lưng - cùng, đầu gối - cổ chân - gót chân, đau đầu...

Ghi nhận công sức của lương y Nguyễn Đình Dư, Sở Y tế Điện Biên đã chứng nhận bài thuốc “Điều trị viêm xoang”, “Đặc trị xương khớp - cột sống”, “Đặc trị tiểu đường” đủ tiêu chuẩn điều trị. Cục Sở hữu trí tuệ cũng đã chứng nhận nhãn hiệu “Bảo Tín Đường” (biểu tượng con gà trống đầy sức sống trên nền âm dương vững chắc). Và, một tin vui sẽ đến đối với bệnh nhân xa gần, bài thuốc “Đặc trị viêm xoang” của Nguyễn Đình Dư đã xong hồ sơ, đang chờ Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cấp phép lưu hành toàn quốc.
Tháng 9 vừa rồi, Bộ Y tế đã chính thức cấp Số đăng ký thuốc cho Bảo Tín Xoang. Dãy số V27-H12-16 chỉ có 8 ký tự và số, nhưng là mồ hôi, nước mắt và hy vọng của lương y Nguyễn Đình Dư bao nhiêu năm qua.
Từ nay, ông có thể yên tâm và đường hoàng đưa thuốc đến với bệnh nhân ở mọi miền tổ quốc.
Bộ Y tế đã công nhận Bảo Tín Xoang của ông là thuốc đặc trị với 5 tác dụng điều trị: Viêm xoang kết mủ; Viêm mũi dị ứng; Viêm tai có mủ hoặc chảy nước; Viêm Amidan - viêm họng hạt, họng đỏ, ho nhẹ; Mẩn ngứa dị ứng chỉ thông qua xịt thuốc trực tiếp.
Bây giờ, Bảo Tín Xoang đã được ông bào chế, sản xuất trong một xưởng thuốc sạch sẽ, vô trùng và hiện đại lắm. Ông hy vọng, qua đây sẽ còn giúp được nhiều người khỏi được bệnh xoang.

...và một tấm lòng thiện nguyện

Trải qua tuổi thơ nghèo khó, rồi dằng dặc tháng năm mưu sinh cơ cực, những mồ hôi nước mắt ấy đã làm nên hồn cốt một lương y đang độ chín. “Từ khi chữa người bệnh đầu tiên đến giờ và chắc chắn mãi mãi về sau, tôi chỉ sung sướng nhất là khi bệnh nhân thông báo khỏi bệnh”, ông Dư chia sẻ. Quả thật, Bảo Tín Đường (ngôi nhà trọng chữ tín) luôn đặt ba chữ vì người bệnh lên trên hết. Bệnh nhân cao tuổi, nghèo khó, tàn tật, bị nhiễm chất độc da cam... đến với lương y Nguyễn Đình Dư đều nhận được những bất ngờ... cảm động (miễn 20% tiền thuốc cho người tuổi từ 70 trở lên, 50% cho người nghèo thu nhập thấp, 100% cho hộ nghèo túng, người tàn tật, bị nhiễm chất độc màu da cam, người già không nơi nương tựa cấp thêm 1 tháng lương thực bằng 15kg gạo) để từ đó họ có thêm điều kiện, yên tâm chữa trị.

Luôn đồng cảm với hoàn cảnh khốn khó của người bệnh, nên tự bao giờ trong con người lương y Nguyễn Đình Dư đã song hành hai phẩm chất - lương y và thiện nguyện. Một lần xem truyền hình biết hoàn cảnh thương tâm của em Chử Thị Hoa (Đông Nai, Tân Lạc, Hòa Bình), học lớp 11, mẹ bị ung thư vú giai đoạn cuối. Ông điện thoại ngay, động viên, rồi gửi tiền giúp và nói nếu mẹ mất bác sẽ nuôi ăn học đến trưởng thành.

Ở Điện Biên, nhiều người biết tấm lòng hảo tâm của lương y Nguyễn Đình Dư. Trong các đợt quyên góp ủng hộ do Hội Chữ thập đỏ tỉnh phát động, ông luôn là thành viên hăng hái đi đầu. Chỉ hai năm 2012, 2013, ông đã trợ giúp vật chất, tiền mặt (trị giá gần hai trăm triệu đồng) cho Trường tiểu học Hoàng Văn Nô, học sinh nghèo học giỏi của trường THPT Phan Đình Giót, gia đình thương binh liệt sĩ, bị nhiễm chất độc da cam, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, người nghèo các xã vùng sâu vùng xa huyện Mường Chà, thị xã Mường Lay đón Tết. Từ năm 2009, cứ vào dịp Kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5, bao giờ ông cũng là một thành viên đi đầu trong tổ chức lễ cầu siêu ở các nghĩa trang liệt sĩ khu vực TP. Điện Biên Phủ. “Mình chưa phải giàu có gì, nhưng sẽ cố gắng chia sẻ với những người kém may mắn; như thế con người, công việc mới cân bằng”, ông Dư bộc bạch.

“Lương y như từ mẫu” là câu chung khẳng định, nêu cao tấm gương thầy thuốc của ngành y tế. Nhưng với lương y Nguyễn Đình Dư sẽ thêm một cặp từ “lương y cùng thiện nguyện”, như thế mới đầy đủ chân dung một thầy thuốc giàu lòng nhân ái ở Điện Biên.
Nguồn tin từ http://www.baomoi.com/luong-y-cung-thien-nguyen/c/14124022.epi

Tin liên quan